Search the Site

Donate

How Do Biblical Scholars Study the New Testament? (Vietnamese)

Các học giả sử dụng bất kỳ phương pháp đa dạng nào từ khoa nhân văn để làm sáng tỏ các bản văn Tân Ước.


sbl-am-computers

Các Học Giả Kinh Thánh Nghiên Cứu Tân Ước Như Thế nào?

Tác giả: Mark Allan Powell

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Các học giả Kinh Thánh thường nghiên cứu Tân Ước với sự quan tâm đặc biệt đến các mô-típ lịch sử và văn chương của bản văn. Do đó, học giả sử dụng những phương cách khác nhau để đem lại những lợi ích trong việc giải thích kinh văn.  Vì vậy cho nên, lĩnh vực học thuật nghiên cứu Tân Ước đã phát triển thành một chuyên ngành bao gồm nhiều cách tiếp cận và phương pháp giải kinh khác nhau.

Phê bình Văn bản. Các nhà phê bình văn bản phân tích các bản kinh văn của Tân Ước đã được bảo tồn qua nhiều thế kỷ bằng cách so sánh và định tuổi của các bản sao chép; họ sử dụng các kỹ thuật khác nhau để xác định bản sao chép nào là đáng tin cậy nhất. Mục tiêu của họ là tái tạo lại bản văn gốc bằng cách xem xét sự khác biệt của các từ hoặc câu trong một phân đoạn nào đó của một hoặc nhiều bản sao.

Khảo cổ học. Các nhà khảo cổ đào khai các thành phố cổ và các địa điểm quan trọng của thế giới Tân Ước. Họ phát hiện ra rất nhiều bằng chứng với nhiều thông tin để giúp giải thích Kinh Thánh. Ví dụ, việc phát hiện ra một chiếc thuyền đánh cá Galilê từ thời Chúa Giê-su đã cho chúng ta biết rằng những chiếc thuyền đánh cá thời đó được chế tạo với một công nghệ rất thấp, cho nên những thuyền đó đặc biệt rất dễ bị hư hại khi gặp bão. Họ cũng đã phát hiện ra các tài liệu cổ của thế kỷ thứ nhất, chẳng hạn như Các Cuộn Biển Chết và thư viện Nag Hammadi Gnostic.

Phê bình Khoa học Xã hội. Một số học giả xem xét Tân Ước theo những quan điểm và kỷ thuật của khoa học xã hội. Các học giả được đào tạo về xã hội học xem xét các tác phẩm Tân Ước dưới ánh sáng của các hiện tượng thuộc nhân chủng học như sự di cư của người Do Thái và sự chiếm đóng quân sự của Palestine. Các nhà nhân chủng học văn hóa nghiên cứu các quan hệ và giá trị của các hiện tượng này nhằm so sánh với các nền văn hóa khác để hiểu rõ hơn bối cảnh Tân Ước. 

Phê bình Lịch sử. Một số học giả xem Tân Ước chủ yếu là một tài liệu cổ xưa để tìm hiểu về lịch sử. Họ muốn tìm hiểu về đời sống và niềm tin của những nhân vật quan trong trong Kinh Thánh (như Giê-su và Phao-lô) và tìm hiểu nguồn gốc của Cơ-đốc giáo, một trong những tôn giáo lớn của thế giới. Các học giả này thường xem các bản văn Kinh Thánh với một cấp độ hoài nghi mà họ áp dụng cho các tác phẩm tôn giáo cổ đại khác: họ không xem Tân Ước như một câu chuyện có tính chất chính xác được đảm bảo một cách thần thánh. Thay vào đó, họ áp dụng các tiêu chí phân tích lịch sử vào bản văn Kinh Thánh để xác định những gì có khả năng thực sự đã xảy ra.

Phê bình Nguồn. Phương pháp Phê bình Nguồn tìm hiểu bối cảnh nằm sau các bản văn Tân Ước để đưa ra các giả thuyết liên quan đến các tài liệu mà các tác giả Kinh Thánh có thể đã sử dụng trong việc soạn thảo các tác phẩm của họ (ví dụ, Phao-lô trích dẫn từ một phụng vụ Cơ-đốc sơ khai trong 1 Cô-rinh-tô 11:2326 và Lu-ca cho biết ông đã rút ra từ một số tài liệu khác về Chúa Giêsu khi soạn Tin Lành của mình trong Lu-ca 1:1). Các nhà Phê bình Nguồn cố gắng xác định các tài liệu này, và đôi khi họ thậm chí còn cố gắng tái tạo lại bản văn gốc của các nguồn được dùng.

Phê bình Hình thức. Các nhà Phê bình Hình thức phân loại các tài liệu trong Tân Ước theo thể loại văn học (ví dụ: ngụ ngôn, chuyện phép lạ, thánh ca, tục ngữ). Họ cũng cố gắng xác định bối cảnh đời sống của các bản văn Tân Ước. Mỗi thể loại văn học này sẽ phục vụ các mục đích riêng biệt: một lời cầu nguyện có thể đã được sử dụng trong các dịch vụ thờ phượng chung, trong khi một bảng nhiệm vụ gia đình (Ê-phê-sô 5:16:9) có thể đã được dùng trong việc dạy giáo lý cho người mới tin nhận Chúa.

Phê bình Soạn thảo. Được học giả sử dụng chủ yếu trong các nghiên cứu sách Phúc Âm, mục đích của Phê bình Soạn thảo là cố gắng xác định ý định cụ thể của các tác giả Tân Ước bằng cách phân tích cách họ soạn thảo và chỉnh sửa bản văn mà tác giả dùng làm tài liệu gốc của họ. Các học giả dùng Phê bình Soạn thảo để tiếp cận các phân đoạn nào đó trong sách Phúc Âm mà họ cho là đã được tác giả thay đổi và sửa chữa tài liệu gốc mà tác giả đã sử dụng. Họ đặc biệt chú ý đến các phân đoạn mà họ cho rằng đã được tác giả bổ sung, xóa bỏ và sắp xếp tổ chức; các phân đoạn này là những dấu hiệu có thể nói lên điều mà tác giả quan tâm và dành ưu tiên. Do đó, việc Ma-thi-ơ quan tâm đến các môn đồ của Chúa Giê-su vì các môn đồ này có đức tin nhỏ bé (Ma-thi-ơ 8:26) thay vì “không có đức tin (Mác 4:40) có thể phản ánh lòng kính trọng đối với những sứ đồ này vì họ là những người lãnh đạo nền tảng của hội thánh.  Việc tác giả sắp xếp một đoạn văn về kỷ luật hội thánh (Ma-thi-ơ 18:15–17) nằm kế tiếp theo sau câu chuyện ngụ ngôn về sự phục hồi người đã hư mất (Ma-thi-ơ 18:12–14) có thể phản ánh một quan điểm rằng mục tiêu của kỷ luật hội thánh là để thực hiện sự ăn năn chứ không phải để giữ gìn sự trong sạch của cộng đoàn.

Phê bình Chuyện Ký thuật. Cũng được sử dụng chủ yếu cho các sách Phúc Âm (và Công-vụ các Sứ-đồ), Phê bình Chuyện Ký Thuật dựa trên những hiểu biết có được của khoa học nghệ thuật phân tích văn chương hiện đại để xác định những tác động cụ thể mà các câu chuyện Kinh Thánh dự kiến sẽ có ảnh hưởng với độc giả. Các học giả quan tâm đến cách xây dựng cốt truyện của câu chuyện, cách phát triển nhân vật, cách giới thiệu hoặc giải quyết xung đột và các đặc điểm tu từ như biểu tượng và nghịch ý ảnh hưởng đến nhận thức của người đọc về những gì đang xảy ra.

Phê bình Tu từ.  Tu từ là một trong những phương cách được các tác giả Kinh Thánh sử dụng để đạt mục đích cụ thể của họ. Các nhà Phê bình Tu từ không chỉ quan tâm đến vấn đề mà tác giả muốn thực hiện nhưng họ còn muốn tìm hiểu vấn đề đó được thiết lập trên những cơ sở nào (các lập luận hoặc bằng chứng được sử dụng).

Phê bình Độc giả Phản hồi. Cách tiếp cận các bản văn Tân Ước gọi là Phê bình Độc giả Phản hồi tập trung vào cách độc giả hiểu các bản văn theo những phương cách và trong các bối cảnh khác nhau. Ví dụ, họ phân tích các yếu tố của vị trí xã hội (tuổi, giới tính, quốc tịch, tình trạng kinh tế, v.v.) ảnh hưởng đến cách người đọc bản văn và góp phần để xác định ý nghĩa của những văn bản đó.

Phê bình Ý thức hệ.  Có rất nhiều phương pháp tiếp cận Tân Ước liên quan đến Phê bình Độc giả Phản hồi.  Những phương pháp tiếp cận này tìm cách giải thích kinh văn từ các góc độ của những quan điểm tư tưởng cụ thể. Phê bình Nữ quyền thể hiện ý nghĩa của các sách trong Kinh Thánh và đoạn văn khác nhau từ quan điểm có ý thức về giới tính. Một lĩnh vực liên quan được gọi là Phê bình Nữ quyền diễn giải kinh văn từ quan điểm của phụ nữ Mỹ gốc Phi. Phê bình Hậu thuộc địa mang đến cho độc giả những diễn giải tiên phong từ quan điểm của những người bị thiệt thòi và bị áp bức trên trái đất, đặc biệt là những người ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.   

Giải cấu trúc. Cách tiếp cận các kinh văn được gọi là Giải cấu trúc là một phương thức giải thích phát sinh vào cuối thế kỷ XX và trở nên phổ biến với các học giả chịu ảnh hưởng của triết học hậu hiện đại. Phương pháp này cố gắng chứng minh rằng tất cả các giải thích được đề xuất là các cấu trúc ý thức hệ không có yêu cầu khách quan về tính hợp lệ.

Mặc dù các phương pháp khác nhau được nêu trên có khả năng tạo mâu thuẫn với nhau trong tác vụ diễn giải, nhưng cũng có sự chồng chéo đáng kể trong ứng dụng, và thông thường, các học giả sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau và liên kết các phương pháp này với nhau. Các phương pháp được dùng như các công cụ để tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của Tân Ước; hầu hết các học giả cố gắng tiếp cận các kinh văn bằng cách sử dụng các công cụ có được; lúc nào họ cũng sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương pháp nào cần thiết cho tác vụ giải kinh.

  • Mark Allan Powell

    Mark Allan Powell is professor of New Testament at Trinity Lutheran Seminary (Columbus, Ohio). He is editor of the HarperCollins Bible Dictionary and author of Introducing the New Testament (Baker, 2009) and Jesus as a Figure in History (Westminster John Knox, 2012).